Bệnh hẹp hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa

Bệnh van tim là những tổn thương làm thay đổi cấu trúc van và làm cho van không đóng hoặc mở ra như bình thường. Cho dù là hẹp hay hở thì bệnh lý van tim đều gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh

Bệnh hẹp hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa
Bệnh hẹp hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa

Phân loại van tim và chức năng

Có 4 loại van tim

Van tim giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động bơm máu của tim, giữ cho dòng máu chảy đúng hướng, đúng thời điểm và đủ lượng máu cần thiết theo nhu cầu của cơ thể

Có 4 loại van tim, sự phối hợp của 4 van này sẽ giúp máu ra, vào tim theo nguyên tắc một chiều, bao gồm:

  • Van hai lá: Cho máu đi từ nhĩ trái xuống thất trái
  • Van động mạch chủ: Cho máu từ thất trái vào động mạch chủ để tới các cơ quan khác trong cơ thể
  • Van ba lá: Cho máu đi từ nhĩ phải xuống thất phải
  • Van động mạch phổi: Cho máu từ thất phải lên động mạch phổi về phổi để trao đổi oxy

Bệnh hẹp hở van tim là gì?

Bệnh van tim xảy ra khi một hay nhiều van tim bị hẹp hở hoặc đóng mở không đúng cách. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, lâu dài sẽ gây mệt mỏi, khó thở, đau ngực và thậm chí là suy tim

Bệnh hẹp hở van tim gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người bệnh

Van tim bên phải (Van 3 lá, van động mạch phổi) ít bị bệnh hơn van tim bên trái (van 2 lá, van động mạch chủ) do các van này kiểm soát dòng máu ra vào tim ở vòng tuần hoàn nhỏ (từ tim lên phổi) nên chịu ít áp lực hơn.

Thông thường, các bệnh lý van tim sẽ chia thành 2 loại chính là hẹp van tim và hở van tim:

Hẹp van tim: Xảy ra khi lá van không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, làm hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để đẩy máu qua chỗ hẹp

Hở van tim (suy van): Xảy ra khi van tim không thể đóng khít, làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó.

Hở van thường do van bị co rút, thoái hóa hoặc giãn vòng van, hay dây chằng van quá dài. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu thiếu hụt do trào ngược.

Một số trường hợp, người bệnh có thể bị hẹp/hở trên cùng 1 van hoặc tình trạng hẹp/hở xuất hiện trên nhiều van tim khác nhau.

Nguyên nhân gây bệnh hẹp hở van tim

Dị tật bẩm sinh: Van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.

Bệnh cơ tim: Có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển, như sốt do virus hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim và gây hở van

Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm tổn thương dây chằng van 2 lá và gây hở van

Tuổi cao: Khi có tuổi, van trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.

Thấp tim: Thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 đến 15 tuổi. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây hẹp – hở van. Tuy nhiên, các triệu chứng của tổn thương van tim thường chỉ xuất hiện khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành.

Sa van 2 lá: Sa van 2 lá xảy ra khi van nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới bên trái đóng không đúng cách, nó lồi lên vào trong buồng tim phía trên.

Một số bệnh lý tim mạch khác: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị cũng có thể gây hẹp, hở van tim.

Triệu chứng của bệnh lý van tim

Khó thở, đau thắt ngực là dấu hiệu thường gặp nhất

Những người bị bệnh van tim nhẹ thường không có triệu chứng. Người bệnh chỉ biết mình mắc bệnh khi siêu âm tim hoặc bác sĩ nghe thấy tiếng thổi tim bằng ống nghe.

Khi tình trạng tiến triển nặng hơn, đặc biệt là với van động mạch chủ, các triệu chứng thường bộc lộ rõ hơn và thường gặp là

  • Khó thở: Cảm nhận rõ ràng nhất khi hoạt động gắng sức hoặc nằm ngửa
  • Mệt mỏi, choáng ngất: Có thể bị mệt mỏi ngay cả khi làm các công việc hàng ngày. Chóng mặt, choáng ngất có thể xảy ra khi tiến triển của bệnh nặng lên.
  • Đánh trống ngực: Hồi hộp, kèm theo cảm giác lo lắng có thể xảy ra. Khi đó, tim bất chợt đập nhanh hơn bình thường, cũng có khi bị bỏ qua 1 vài nhịp.
  • Đau thắt ngực: Thường gặp khi bị hẹp van động mạch chủ, vì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu từ trái tim đi nuôi cơ thể.
  • Phù mắt cá chân hoặc bàn chân

Biến chứng của bệnh hẹp hở van tim

Khi van tim bị hẹp/hở, đặc biệt là van động mạch chủ, sẽ gặp một số biến chứng nguy hiểm, dễ gặp nhất là suy tim.

Van tim đóng mở không đúng cách sẽ khiến tim phải làm việc gắng sức hơn để đảm bảo lượng máu đi nuôi cơ thể. Lâu dài, tim bị quá tải, co tim giãn và chức năng tim bị suy giảm.

Ngoài suy tim, hẹp/hở van tim còn dẫn tới rối loạn nhịp tim, tăng áp động mạch phổi, hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Cách phòng ngừa bệnh hẹp hở van tim

Để bảo vệ mình khỏi bệnh lý van tim hoặc các biến chứng xấu, cần duy trì chế độ ăn lành mạnh. Các thực phẩm gây hại cho tim như: Đồ đóng hộp, chế biến sẵn, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật….

Ăn nhiều rau củ quả tươi, cá, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám. Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe trái tim.

Việc uống đủ nước mỗi ngày cũng rất tốt cho tim. Hạn chế đồ uống có cồn và nhiều đường

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày hoặc 5 ngày/tuần
  • Khi xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau nhức mình mẩy cần được điều trị chống nhiễm trùng.
  • Tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt cho hệ tim mạch