Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng và biến bệnh nhân trở thành gánh nặng gia đình. Các bệnh lý được liệt kê dưới đây là nguyên nhân gây suy tim trực tiếp mà bạn cần lưu ý
Các bênh lý là nguyên nhân trực tiếp gây suy tim gồm có
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý van tim
- Cơ tim bị tổn thương
- Bệnh lý mạch vành
- Rối loạn nhịp tim
Mục lục
Nguyên nhân gây suy tim do tăng huyết áp
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, 90% số trường hợp suy tim có tiền sử tăng huyết áp. Khi biến chứng tăng huyết áp thành suy tim, hậu quả sẽ khôn lường, bệnh nhân thậm chí khó bảo toàn tính mạng.
Theo nghiên cứu Framingham, tăng huyết áp làm tăng 50 – 60% nguy cơ suy tim sau nhiều năm mắc bệnh. Nguy cơ này tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở phụ nữ.
Tăng huyết áp gây suy tim như thế nào?
Suy tim do tăng huyết áp là quá trình thầm lặng diễn ra trong thời gian rất dài. Huyết áp tăng cao khiến tim làm việc nhiều hơn bình thường, khiến các sợi cơ tim dày lên theo thời gian, làm thay đổi cấu trúc của các buồng tim.
Cấu trúc tim thay đổi cộng với sự dày lên của các thành mạch máu là hệ quả của bệnh tăng huyết áp sẽ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và tăng khả năng tích tụ cholesteron tại động mạch vành.
Từ đó, chức năng tim và hệ thống dẫn truyền của tim gặp phải hàng loạt rối loạn như: Những cơn đau tim thường xuyên, nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết.
Dấu hiệu cảnh báo sớm suy tim do tăng huyết áp
Ho, phù, khó thở, mệt mỏi là dấu hiệu cảnh báo suy tim sớm ở người tăng huyết áp
Hiệp hội suy tim Hoa Kỳ đã giới thiệu công cụ phát hiện suy tim sớm với 5 dấu hiệu viết tắt là “FACES”.
- F – Fatigue: Mệt mỏi
- A (Activity limitation): Hạn chế hoạt động
- C (Congestion): Ứ trệ, sung huyết
- E (Edema or ankle swelling): Phù hoặc sưng mắt cá chân
- S (Shortness of breath): Khó thở
Nguyên nhân gây suy tim do bệnh van tim
Bệnh van tim là những tổn thương làm thay đổi cấu trúc van tim và làm cho van không đóng hoặc mở như bình thường. Cho dù là hẹp, hay hở thì bệnh van tim đều gây ảnh hưởng xấu đến chức năng bơm máu của tim.
Hẹp, hở van tim khiến tim phải làm việc nhiều hơn mới đủ máu cung cấp cho cơ thể. Trái tim đáp ứng tình trạng này bằng nhiều cách: Buồng tim giãn ra để tăng thể tích chứa máu, cơ tim dày lên giúp bơm máu mạnh mẽ hơn.
Ban đầu những thay đổi này giúp tim làm việc hiệu quả hơn, vì vậy người bệnh có thể không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, triệu chứng nào.
Nhưng theo thời gian, sự cố gắng của tim không còn hiệu quả sẽ làm suy yếu chức năng tim và gây ra các triệu chứng như
- Khó thở: Đặc biệt khi hoạt động gắng sức hay nằm ngửa
- Mệt mỏi: Cảm thấy chóng mặt hoặc quá yếu, không thể thực hiện được các hoạt động bình thường
- Đau thắt ngực: Cảm giác áp lực, đè nặng trong ngực, đặc biệt là khi bạn hoạt động thể lực hoặc gặp thời tiết lạnh.
- Đánh trống ngực: Cảm giác tim đập mạnh bất thường, bỏ qua nhịp và hồi hộp
- Sưng phù: Ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng
Suy tim do cơ tim bị tổn thương
Các tổn thương ở cơ tim đều dẫn đến biến chứng suy tim
Ở giai đoạn đầu, việc giảm thể tích nhát bóp có thể được bù bằng cơ chế tăng nhịp tim để đảm bảo lưu lượng, chỉ khi gắng sức lưu lượng tim không tăng mới gây ra triệu chứng khó thở. Do đó, thường trong một thời gian dài ban đầu, tâm thất bị giãn ra nhưng bệnh nhân không cảm thấy khó chịu gì.
Nhưng về lâu dài, khi tình huống trầm trọng hơn, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn như khó thở, ho khan, đau ngực, phù chân, tiểu ít.
Nguyên nhân gây suy tim do bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong.
Khi bệnh mạch vành tiến triển, sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, với diễn tiến nặng dần theo thời gian, bệnh mạch vành khiến cho cơ tim hoạt động nhiều hơn và trở nên suy yếu dần, dẫn đến tình trạng suy tim và loạn nhịp tim
Người bị bệnh mạch vành thường hay bị đau thắt ngực hay đau vùng tim. Cụ thể:
- Nặng nề vùng ngực
- Cảm giác nén ép tim
- Đau ran vùng ngực
- Nóng rát
- Tê vùng ngực
- Đầy bụng
- Cảm giác tim bị bóp chặt lại
- Đau ngực âm ỉ
Triệu chứng của bệnh mạch vành ở phụ nữ thường nhẹ hơn so với nam giới. Trong cơn đau ngực có thể kèm theo buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi và khó thở.
Rối loạn nhịp tim
Bệnh rối loạn nhịp tim xảy ra khi tim đập quá nhanh, quá chậm, quá sớm hoặc không đều. Nguyên nhân là do các tín hiệu điện điều phối nhịp đập của tim hoạt động bất thường.
Trong khi loạn nhịp, tim không cung cấp đủ máu cho cơ thể. Thiếu máu có thể làm ảnh hưởng đến não, tim và các cơ quan khác.
Rối loạn nhịp tim có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Nếu có thì thường xuất hiện thành cơn với các triệu chứng rất đa dạng. Triệu chứng có thể nhẹ như đau đầu, chóng mặt, giảm mức chịu đựng khi hoạt động thể lực, hay có thể nặng như hôn mê, đột quỵ, tử vong.
- Với loạn nhịp tim nhanh: Người bệnh cảm thấy khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu hoặc choáng váng, rung trong lồng ngực, tức ngực…
- Với loạn nhịp tim chậm: Một số triệu chứng hay gặp như đau thắt ngực, cảm thấy tim đập quá chậm, nhầm lẫn, khó tập trung, khó thở, chóng mặt, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, mệt mỏi, ngất hoặc thoáng ngất.
- Với tình trạng tim đập không đều: Đau lồng ngực, khó thở, chóng mặt, đánh trống ngực, thậm chí đột tử do tim ngừng đột ngột.
Cách phòng ngừa các nguyên nhân suy tim
Ngưng hút thuốc lá và các chất kích thích, rượu bia
Chế độ ăn uống hợp lý: Tránh các loại thức ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ và thực hiện chế độ ăn ít muối, ít đường với các loại thực phẩm vàng cho tim mạch như ngũ cốc thô, rau quả xanh, trái cây, các loại đậu…
Luyện tập thể dục đều đặn: Lựa chọn hình thức tập thể lực và cường độ phù hợp với sức khỏe bản thân
Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo
Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng tốt cho tim mạch
Tin liên quan
Bệnh hẹp hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa
[...]
Bệnh suy tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa
[...]
Bệnh mạch vành là gì? Cách phòng tránh bệnh mạch vành cho mọi đối tượng
[...]
Đau tức ngực là bệnh gì? Nguyên nhân gây đau tức ngực
[...]
Những nhóm thuốc chính trong điều trị tăng huyết áp
[...]